Vì sao Nguyễn Phú Trọng muốn loại Tướng Lương Cường bằng cách “vừa đấm vừa xoa”?
Trước đại hội 13 khá xa, ngày 29-1-2019 lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng cho ông Tô Lâm bộ trưởng Bộ Công An và ông Lương Cường chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam thì ông Lương Cường là tên tuổi được giới thạo tin đánh giá là có triển vọng. Ai cũng biết rằng Tô Lâm là cánh tay đắc lực cho ông Nguyễn Phú Trọng trong rất nhiều vụ án khó nuốt như vụ Trịnh Xuân Thanh. Có thể nói ông Tô Lâm là công thần dưới thời Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên Lương Cường là một tướng quân đội mà lại là tướng chuyên về tuyên huấn nên ông ta không được dân biết đến nhiều như Tô Lâm. Việc đứng chung hàng với Tô Lâm nhận quân hàm đại tướng do ông Nguyễn Phú Trọng trao cho thì cũng thấy, tầm quan trọng của Lương Cường với Nguyễn Phú Trọng không phải là đơn giản.
Ông Lương Cường tuy làm công tác tuyên huấn trong quân đội, nhưng nói về tư tưởng thì ông Lương Cường là người nhận trách nhiệm truyền đạt tư tưởng của người đứng đầu đảng vào tất cả các sĩ quan trong quân đội. Từ vị trí công tác thì ông Lương Cường rõ ràng là người thân cận với ông Trọng chứ không xa lạ gì. Ông Cường không nổi bằng Tô Lâm vì ông Cường không bắt bớ những vụ án lớn như Tô Lâm mà thôi.
Theo báo Người Lao Động thì “việc Đảng, nhà nước phong hàm Đại tướng đối với ông Tô Lâm và ông Lương Cường thể hiện sự tin tưởng, quan tâm sâu sắc của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang; là sự ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của mỗi người đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội, công an cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Lúc đó khó mà phân biệt được ai có vai trò quan trọng hơn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Lương Cường đang mất dần lợi thế, vì sao?
Cá nhân nào mà có thể thay thế được thì rất khó giữ lợi thế, còn cá nhân nào đóng vai trò không thể thay thế thì rất khó mất lợi thế. Ông Tô Lâm là nhân vật rất quan trọng đối với ông Nguyễn Phú Trọng, chính vì vậy người ta đánh giá Tô Lâm sẽ giữ lại chức Bộ Trưởng Bộ Công An. Vậy thì liệu rằng, Lương Cường đối vói ông Nguyễn Phú Trọng có quan trọng như Tô Lâm hay không?
Công tác tuyên huấn trong quân đội là công việc rất cần thiết, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là ông Lương Cường không thể thay thế mà là có rất nhiều sự lựa chọn nữa là khác. Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng cho bổ nhiệm ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa phó tổng cục trưởng tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng ban tuyên giáo trung ương. Ông Nghĩa và ông Lương Cường là người cùng ngành tuyên huấn trong Quân đội, như vậy qua sự cất nhắc này cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng cảm tình ông Nguyễn Trọng nghĩa hơn Lương Cường. Theo đánh giá của giới quan sát, giữa nhiệm kỳ đại hội 13 thì ông Trọng sẽ đưa ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính Trị chuẩn bị để cơ cấu cao hơn. Còn ông Lương Cường thì sao? Ông đã có hàm đại tướng, và là ủy viên Bộ Chính Trị, vậy ông sẽ được cơ cấu vào đâu?
Ban đầu khi mà ông Nguyễn Phú Trọng phong hàm đại tướng cho ông Lương Cường, theo đó là tuổi của ông Ngô Xuân Lịch tính đến năm 2021 là vượt quá 65 tuổi xem như không còn cơ hội để giữ ghế bộ trưởng bộ quốc phòng. Lúc đó dư luận xôn xao rằng, ông Lương Cường là người mà Nguyễn Phú Trọng sẽ cơ cấu để giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc Phòng thay cho ông Ngô Xuân Lịch. Tuy nhiên đến hội nghị Trung ương 14 diễn ra giữa tháng 12 năm 2020 thì tin rò rỉ cho thấy, trong Bộ Quốc Phòng nổi lên một nhân vật mới, đó là Phan Văn Giang. Khi đại hội 13 diễn ra, cả ông Phan Văn Giang và ông và ông Lương Cường đều trúng cử vào Bộ Chính Trị và lúc này Bộ Quốc Phòng xuất hiện 2 hổ. Như vậy chuyện đấu nhau tranh chức Bộ trưởng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên theo những gì báo chí đăng tải gần đây cho thấy, hoạt động của ông tổng tham mưu trưởng Phan Văn Giang rất nổi, hầu hết là ông thay thế vai trò của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Theo giới am hiểu thì hiện nay Phan Văn Giang có ưu thế hơn trước Lương Cường.
Khả năng ông Lương Cường bị thuyên chuyển đi đâu?
Hiện nay khả năng ông Lương Cường sẽ ngồi 1 trong 3 vị trí sau: Thứ nhất là ghế Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng; thứ nhì là ngồi lại ghế chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam; thứ ba là phó chủ tịch thường trực Quốc Hội. Cần phải phân tích đầy đủ 3 khả năng để biết ông Lương Cường sẽ đi về đâu, và việc điều chuyển Lương Cường thì tất nhiên người ta cũng hiểu ý đồ của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay.
Về ghế Bộ trưởng Bộ quốc Phòng thì tuy ông Lương Cường vẫn còn cửa nhưng cánh cửa đó đang hẹp dần vì ông vấp phải một đối thủ quá mạnh là ông Phan Văn Giang. Báo chí gần đây đã ngụ ý rằng, ông Phan Văn Giang sẽ thay ông Ngô Xuân Lịch đại tướng đương kim Bộ Trưởng.
Về ghế tổng cục chính trị thì ông Lương Cường có cửa ngồi lại khá cao khi mà gương mặt sáng giá nhất có thể thay thế ông trong vai trò chủ nhiệm tổng cục chính trị là thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã được Nguyễn Phú Trọng thuyên chuyển về làm trưởng ban tổ chức Trung Ương. Có một chút khó khăn là, quy tắc lâu nay của bộ Quốc Phòng là chỉ có 1 ghế ủy viên bộ chính trị dành cho Bộ Trưởng. Với chức ủy viên Bộ Chính Trị, ông Lương Cường khó mà được bộ Chính Trị chấp thuận ở lại ghế cũ.
Còn lại ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội, ghế mà trước đây bà Tòng Thị Phóng đã ngồi. Tiêu chuẩn của chiếc ghế này là ủy viên Bộ Chính Trị, tuy nhiên về thực quyền thì ghế này kém nhất, kém ghế bộ trưởng bộ quốc phòng và thậm chí kém luôn ghế chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Nếu bị đẩy sang ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội thì xem như ông Lương Cường như là đại bàng đã bị cắt trụi cánh, không còn khả năng bay xa và săn mồi được nữa.
Nguyễn Phú Trọng vừa đấm vừa xoa Lương Cường, trò chơi khá cao tay.
Ngày 5-10-2015 trước thềm đại hội 12, ông chủ tịch nước lúc đó là Trương Tấn Sang đã thăng quân hàm đại tướng cho 2 ông là Đỗ Bá Tỵ và Ngô Xuân Lịch. Lúc đó, Đỗ Bá Tỵ nắm chức tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam còn Ngô Xuân Lịch nắm chức chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
Dư luận đặt cược vào Đỗ Bá Tỵ hơn là Ngô Xuân Lịch vì Tỵ là tướng võ đúng nghĩa, còn Ngô Xuân Lịch chỉ tướng văn không thích hợp lắm với chức bộ trưởng. Tuy nhiên, nhận xét của dư luận không hẳn đã đúng, vì bên trong ĐCS có những nhóm lợi ích đấu nhau, nhóm nào mạnh thì người của nhóm đó sẽ lên chứ không phải xét ở năng lực quản lí.
Đến đại hội 12 năm 2016, ông Ngô Xuân Lịch trúng cử ủy viên Bộ Chính trị còn ông Đỗ Bá Tỵ thì không, kết quả đó xem như ngã ngũ. Ông Ngô Xuân Lịch đã đá văng ông Đỗ Bá Tỵ ra khỏi chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Để an ủi, ông Nguyễn Phú Trọng đẩy ông Đỗ Bá Tỵ sang làm phó cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một chức hữu danh vô thực. Hành động không để ông Đỗ Bá Tỵ ngồi lại ghế tổng tham mưu trưởng là một cú đấm rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng dành cho ông Tỵ. Hành động chuyển ông Tỵ qua làm phó chủ tịch quốc hội là hành động xoa dịu nỗi đau mất quyền lực của ông tướng bại trận Đỗ Bá Tỵ mà thôi. Ông Trọng rất cao cờ, biết vừa đánh vừa xoa để kẻ thất bại không phải điên tiết mà phản đòn.
Hiện nay trường hợp của ông Lương Cường khá giống với ông Đỗ Bá Tỵ trước đây. Cửa vào ghế bộ trưởng đã quá hẹp vì vấp phải đối thủ quá mạnh như Phan Văn Giang. Và như đánh giá của giới thạo tin thì ông Nguyễn Phú Trọng đang ủng hộ Phan Văn Giang và bỏ rơi Lương Cường. Tuy nhiên lỡ ủng hộ Lương Cường vào Bộ Chính Trị thì phải bố trí một chiếc ghế cho phù hợp chứ? Chức tổng tham mưu trưởng thì chỉ dành cho ủy viên Trung Ương, chính vì vậy phải chọn cho Lương Cường chiếc ghế tương xứng. Chiếc ghế đó chính là phó chủ tịch thường trực Quốc hội do bà Tòng Thị Phóng để lại. Một chức cũng thuộc loại vô thưởng vô phạt. Nếu đây là kịch bản đúng thì lại một lần nữa ông Trọng vừa đánh vừa xoa. Với ông Lương Cường, bị loại ra khỏi chiếc ghế bộ trưởng là b đánh đau, và bố trí cho chức phó chủ tịch thường trực quốc hội là xoa.
Tương lai của ông Lương Cường sẽ ra sao?
Khi bị mất quyền lực thì xem như cơ hội tiến thân đã kết thúc. Nếu từ quân đội mà sang Ban Bí Thư như ông thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa vừa mới nhận chức trưởng ban tuyên giáo thì đó là đang cơ cấu đi lên. Nếu ở lại Bộ Quốc Phòng thì phải lấy được chiếc ghế Bộ Trưởng mới hy vọng đi lên. Với trường hợp của ông Lương Cường thì giành chiếc ghế bộ trưởng tuy kết quả vẫn chưa ngã ngũ nhưng khả năng ông thắng Phan Văn Giang là khá khó khăn.
Hầu hết những ai bị đẩy qua Quốc Hội thì xem như quyền lực đã đi xuống, vì nơi đây không có thực quyền. Người cao nhất là chủ tịch quốc hội vẫn là người có quyền lực thấp nhất trong tứ trụ thôi. Quốc hội của nhà nước này thực tế nó chỉ mang tính biểu tượng vì nó chỉ biết bỏ phiếu theo chủ trương của đảng mà dân gian thường giễu cợt là “quốc hội gật”. Chính vì vậy, nếu ông Lương Cường bị đẩy sang ghế phó chủ tịch thường trực quốc hội thì xem như tương lai của ông ta sẽ kết thúc.
Hiện tại, cuộc chiến giữa Lương Cường và Phan Văn Giang vẫn chưa ngã ngũ, đợi đến hội nghị trung ương 2 của ĐCS Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì sẽ rõ. Bây giờ, mọi vấn đề chỉ là phân tích chứ chưa thể khẳng định chính xác 100% mà chỉ là có khả năng cao sẽ xảy ra theo chiều hướng như thế. Muốn chính xác, đợi 3 tháng nữa sẽ rõ.
Nguyễn Duy – Thoibao.de (Tổng hợp)