Tô Lâm đang theo vết xe đổ của Tổng Trọng, dựa vào Trung Cộng để nắm quyền lực?
Việc các lãnh đạo Việt Nam dựa vào Trung Cộng để nắm giữ và duy trì quyền lực, là điều phổ biến. Điển hình là trường hợp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vươn lên nắm giữ quyền lực, từ chỗ thất thế trước cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư đầu tiên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải rơi nước mắt tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa 11, vào tháng 10/2012, khi không thể xử lý kỷ luật được đồng chí X, theo cách gọi của ông Trương Tấn Sang.
Nhưng chỉ sau đó ít lâu, ông Nguyễn Phú Trọng, với sự ủng hộ của Trung Cộng, đã chiến thắng ông Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc đua tranh chức Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 12 (tháng 1/2016). Khi đó, Nguyễn Phú Trọng thắng Ba Dũng bởi nước cờ táo bạo, quyết định dựa hẳn vào Trung Cộng để duy trì quyền lực độc tôn như đã thấy, kể từ sau nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ 2, từ năm 2016 đến nay.
Ngày 25/12/2015, trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 14 khóa 11, kỳ họp Trung ương cuối cùng để kết thúc vấn đề nhân sự cho chiếc ghế Tổng Bí thư, ông Trọng quyết định cử Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, bí mật sang Trung Cộng hội kiến với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc để báo cáo tình hình, với thực tế là ông Trọng khó có thể thắng Ba Dũng trong cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư.
Lập tức ngay sau đó, Nhân đại Toàn quốc – tức Quốc hội Trung Cộng – khẩn cấp ra Nghị quyết, cho phép Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được phép đưa quân đội ra nước ngoài để bảo vệ thành quả Xã hội Chủ nghĩa. Khi đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận ra, Tổng Trọng dựa vào ngoại bang để chơi “sát ván” với mình, nên Nguyễn Tấn Dũng chấp nhận thua cuộc, quyết định rút tên khỏi danh sách ứng cử, và về hưu “làm người tử tế”.
Đó là lý do vì sao, Nguyễn Phú Trọng – một người được cho là nhờ “may mắn” mới được ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ 11 năm 2011 – lại nắm giữ và củng cố được quyền lực. Thực tế, năng lực và tài cán của vị nguyên Chủ tịch Quốc hội, cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội này, đâu có gì xuất sắc.
Kể từ sau Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi lên và trở thành một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối, nắm quyền sinh, quyền sát trong Đảng. Có thể nói không ngoa rằng, ông Trọng cho ai sống thì người đó được sống; ông Trọng bắt ai chết, thì người đó buộc phải chết, không được phép bị thương.
Bài học dựa vào Trung Cộng để nắm quyền lực đến mức tuyệt đối của Tổng Trọng, đã hấp dẫn Đại tướng, Bộ trưởng Tô Lâm. Theo giới quan sát, gần đây, ông Tô Lâm có nhiều biểu hiện thân với Trung Cộng hơn mức bình thường. Không chỉ là chuyện, chỉ một ngày sau khi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào trung tuần tháng 9 kết thúc, thì người ta đã thấy Tô Lâm có mặt ở Bắc Kinh. Chuyến đi ấy, Tô Lâm còn nhanh chân hơn cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, người cũng sang thăm Trung Cộng sau vài ngày.
Trên mạng xã hội đang bàn tán về chuyện Bộ Công an xử lý vấn đề an ninh năng lượng, ngay sau khi Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 5 cán bộ của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn trong một status với tiêu đề “Mũi tên hai đích”, đã nhận xét rằng: “Việc bắt bớ những người hoạt động môi trường, tình cờ đang phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh”.
Bộ Công an bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, người được coi là một chuyên gia chứ không phải nhà hoạt động về môi trường, và có vẻ không liên quan đến việc bắt 5 lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường trước đó. Đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, và quyết định Việt Nam sẽ lựa chọn Trung Cộng hay Mỹ?
Cụ thể, Mỹ và phương Tây muốn hỗ trợ Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch nhanh hơn. Trong khi Trung Cộng là đối tác cung cấp các nhà máy nhiệt điện than hàng thập kỷ qua ở Việt Nam, với những hồ sơ môi trường đầy tai tiếng.
Với Trung Cộng, việc Bộ Công an tăng cường bắt bớ các nhà hoạt động môi trường, có lợi cho họ. Trong lĩnh vực năng lượng, điều này đã đẩy Hà Nội gần lại với Bắc Kinh hơn.
Nếu Bộ Công an phá hoại quan hệ Việt – Mỹ một cách lộ liễu, sẽ dễ bị phê phán, nhưng họ đã chọn cách kín đáo hơn là bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và môi trường, vừa được tiếng bảo vệ chế độ, vừa là cách cản trở Việt Nam gần lại với Mỹ tốt nhất.
Người ta đang hy vọng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 vào đầu năm 2026 sắp tới, Ban lãnh đạo Bắc Kinh sẽ ưu ái, dành cho Tô Lâm chiếc ghế Tổng Bí thư, kể cả khi việc này làm Tổng Trọng không hài lòng./.
Trà My – Thoibao.de