Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi về chính sách ngoại hối

Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, ngày 21/7/2023 tại Hà Nội. (Photo by Nhac NGUYEN / AFP)

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về hành vi thao túng tiền tệ, một báo cáo của bộ cho biết hôm 7/11/2023. Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi này với những diễn biến liên quan đến tài khoản vãng lai và cán cân thương mại thặng dư đáng kể.

Báo cáo xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại lớn và tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối để đạt được lợi thế thương mại.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen phát biểu: “Hầu hết sự can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại của Mỹ trong giai đoạn báo cáo đều dưới hình thức bán đôla, những hành động nhằm củng cố đồng tiền của họ”.

Bà nói thêm rằng triển vọng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với “sự bất ổn gia tăng liên quan đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, lạm phát cơ bản vẫn tăng cao và khả năng căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ngày càng sâu sắc”.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính liệt 6 nền kinh tế vào “danh sách giám sát” các đối tác thương mại lớn, báo hiệu rằng họ nên chú ý chặt chẽ đến các hoạt động tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô của mình. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.

Các quốc gia này đã vượt quá 2 trong 3 tiêu chí: thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ đôla, thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu cao trên 3% tổng sản phẩm quốc nội và lượng mua ngoại tệ ròng liên tục vượt quá 2% GDP trong một năm.

Bộ Tài chính Mỹ cho hay Việt Nam đã bị đưa trở lại danh sách giám sát này sau khi thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu của nước này tăng vọt lên tới 4,7% GDP trong thời kỳ giám sát. Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây khi các công ty chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á đang phát triển nhanh này, theo Reuters.

Việt Nam có thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ tới 105 tỷ đôla, (vượt ngưỡng 15 tỷ đôla) và thặng dư cán cân vãng lai đạt 19 tỷ đôla, tương đương 4,7% GDP (vượt ngưỡng 3% GDP), theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói trong một tuyên bố hôm 8/11 rằng họ sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ và thiết lập các cuộc đối thoại thường xuyên và hiệu quả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ để “kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh”.

Khi thăm Hà Nội vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen có đề cập đến “việc hợp tác chặt chẽ” của Việt Nam để giải quyết những quan ngại của Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng Hoa Kỳ nên chia sẻ những khó khăn kinh tế của Việt Nam, bao gồm việc phải nhập khẩu dầu thô, các phân bón cũng như các nguyên liệu khác trong khi giá cả thế giới gia tăng.

“Việt Nam cần phải có những biện pháp điều chỉnh để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm phát triển sản xuất… Tôi mong rằng phía Hoa Kỳ nên thông cảm với những chính sách của Việt Nam”.

Vào tháng 9 năm nay, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khi gặp Bộ trưởng Yellen bên lề kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, đã đề nghị chính phủ Mỹ nên hạn chế biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam.

Hồi tháng 6/2022, Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát về các chính sách ngoại hối dù không bị chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác định là quốc gia thao túng tiền tệ.Tuy vậy, đến tháng 11/2022, Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát này sau nhiều lần có tên trong đó.

Previous
Previous

Biểu tình phản đối phái đoàn của Chủ tịch Võ Văn Thưởng tại APEC

Next
Next

Tô Lâm đang theo vết xe đổ của Tổng Trọng, dựa vào Trung Cộng để nắm quyền lực?