‘Thanh lọc’ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
Giữa lúc những sự việc nói trên được cho là góp phần làm suy giảm niềm tin của người dân vào Phật giáo, sự xuất hiện của sư Thích Minh Tuệ đi khất thực trên đôi chân trần để tu hạnh đầu đà đã trở thành một hiện tượng xã hội.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 18/6, ông Bửu Nguyễn, nghiên cứu sinh ngành Phật học ứng dụng tại Nan Tien Institute (Úc), nói:
“Cách ông Thích Minh Tuệ hành khổ hạnh, giữ 13 hạnh đầu đà đã lấy được lòng số đông quần chúng Phật tử.
Hình ảnh giản dị đó đã đối nghịch với những vị tu sĩ với chùa to, tượng lớn, thuyết pháp một đằng nhưng làm một nẻo trong những năm gần đây.”
Theo bài viết ngày 31/5 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore), cách tu của sư Minh Tuệ là sự “quở trách sống động đối với một số tu sĩ Phật giáo tham nhũng, kém gương mẫu” ở Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát, hiện tượng sư Thích Minh Tuệ gióng lên hồi chuông cấp thiết thanh lọc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định mục đích của mình là phụng sự lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", theo hiến chương của Giáo hội.
Theo đó, các tăng ni của giáo hội, đặc biệt là các bậc chức sắc, tích cực tham gia những nhiệm vụ chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam giao phó.
Công tác của họ không chỉ ở trong nước mà còn ở hải ngoại.
Tính tới thời điểm tháng 4/2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các hội Phật tử, trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Văn kiện Đại hội Phật giáo khóa 9 nêu rõ rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, cụ thể là triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng.
Để thực hiện việc này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định chức năng của mình là "tổ chức thông tin đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, đấu tranh với các âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch..."
Theo giáo pháp của Đức Phật, tu sĩ không được tham gia vào những việc như vậy, ông Bửu Nguyễn nhận định với BBC ngày 5/6.
"Tu sĩ không nên tham gia chính quyền hoặc trở thành thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, hay tham gia vào công tác từ thiện xã hội.
"Đã xuất gia rồi thì chỉ lo việc tu tập với mục đích là giải thoát,” ông nói.
Theo ông Bửu Nguyễn, việc thanh lọc hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là vô cùng bức thiết, đặc biệt là khi một loạt những lùm xùm gần đây liên quan đến lối sống, cách hành đạo, thuyết giảng của các tu sĩ chủ yếu là thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
"Tôi cho rằng giai đoạn này, chính quyền, ví dụ Ban Tôn giáo Chính phủ hoặc là các vị lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên khuấy động phong trào làm trong sạch tổ chức".
Ngược lại, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại cho rằng thanh lọc mấy cũng không ăn thua.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức không được nhà nước Việt Nam công nhận.
Ông nói với BBC ngày 5/6:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam bản chất từ khi thành lập là một thành viên đứng trong sự tổ chức của chính quyền Việt Nam, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì cho dù bây giờ có thanh lọc nhân sự cách mấy đi chăng nữa, nếu người tu hành có hành đạo như thế nào, dù không ảnh hưởng xấu tới xã hội nhưng trái với ý của chính quyền, của Mặt trận thì người ta cũng sẽ đàn áp.”
"Chỉ khi nào Việt Nam có tự do tôn giáo thật sự, các tổ chức tôn giáo độc lập, có thể ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có những giáo hội khác, những tổ chức những hệ phái khác tự do hành đạo, được chính quyền chấp nhận, không đàn áp, khi đó mới mong rằng Phật giáo tại Việt Nam có thể chấn hưng mà phát triển được."
Đáng chú ý, một số tu sĩ nổi tiếng, được đông đảo Phật tử khắp nơi trên thế giới mến mộ, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Nguyên Chứng (tức Tuệ Sỹ), sinh thời đều đứng ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam và từng gặp nhiều rắc rối với chính quyền.