Vụ Formosa: Bài phát biểu của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, phát biểu tại Quốc hội Đài Loan ngày 2/12/2022
Bài phát biểu của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, phát biểu tại Quốc họi Đài Loan ngày 2/12/2022 về Công ty Formosa Hà Tĩnh làm ô nhiễm môi trường Việt Nam năm 2016.
Tôi xin phép được tự giới thiệu, Tôi là Giám mục Phaolo NGUYỄN THÁI HỢP, Giám mục giáo phận Vinh và Hà Tĩnh từ năm 2010 đến 2021. Tôi vừa nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm ngoái.
Tôi hiện diện ở đây với tư cách vừa là chứng nhân lịch sử của vụ thảm hoạ Formosa, vừa là đại diện chính thức cuả gần 8000 nạn nhân của thảm hoạ này. Trong vai trò và vị thế đặc biệt đó, tôi đã nhiều lần phát biểu về thảm hoạ Formosa tại chính mảnh đất Đài Loan thân yêu này, cũng như tại nhiều nơi ở Mỹ và Âu châu. Hôm nay, tôi chỉ xin ngắn gọn đôi điều về điều kiện Công chứng mà Toà án Đài Loan đòi hỏi các nạn nhân.。
1- Thú thật với quí vị, chúng tôi rất bất bình và phẫn nộ về các yêu sách khắt khe, đồng thời vừa bất nhất và bất nhân mà Toà án đã đòi hỏi các nạn nhân khi nạp đơn kiện Cty … Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam.
Trước đây, Toà đòi phải có giấy uỷ quyền cho các luật sư và phải chứng minh việc uỷ quyền đó vừa bằng văn thư, vừa bằng video chứng thực việc uỷ quyền đó. Dưới một chế độ Công an trị như ở VN hiện nay, việc mời hai luật sư từ ĐL sang Việt Nam để gặp gỡ từng nạn nhân, rồi lấy chữ ký và ghi âm, ghi hình từng người một đã là một điều rất khó khăn, gian lao và nguy hiểm.
Hai luật sư trẻ …. đã can đảm và tận tình hoàn thành công tác khó khăn và nguy hiểm này. Nếu muốn, quý vị và quý bạn có thể phỏng vấn họ để biết thêm những tình tiết như phim trinh thám.
Bất chấp điều kiện nghiệt ngã, chúng tôi đã hoàn thành một bộ hồ sơ đầu tiên và đã nộp lên Toà án. Không hiểu tại sao, Toà lại không chấp nhận bộ hồ sơ uỷ quyền đó mà đòi bộ hồ sơ uỷ quyền khác.。
Toà đòi: Đơn khiếu kiện của các nạn nhân phải có công chứng của xóm, xã, phường, huyện, tỉnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam, rồi sau đó mới có thể nộp cho Phòng Văn hoá của Đài Loan tại Hà Nội để chuyển tới Toà án tại Đài Loan.
2 – Tại sao Toà án đưa ra điều kiện bất nhân và oan nghiệt này cho các nạn nhân Việt Nam? Đây thuần tuý là một yếu tố pháp lý hay còn ẩn chứa ý đồ nào khác?
Như quý vị và quý bạn đã rõ, liền khi thảm hoạ Formosa xảy ra, các nạn nhân của thảm hoạ này đã nạp đơn lên Toà án Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Việt Nam, nơi Công ty Formosa đặt bản doanh, để kiện chính công ty đó. Đơn của các nạn nhân không những không được Toà án Kỳ Anh thụ lý, mà hơn nữa, khi các nạn tiếp tục khiếu kiện đã bị công an đàn áp dã man. Một số nhà báo hay phóng viên bán chuyên nghiệp đưa hình ảnh hay bài viết lên mạng để ủng hộ các nạn nhân đã bị bắt, bị tra tấn. Có những người đã bị bắt và bị kết án tù từ 8 đến 14 hay 20 năm. Có những người phải vội vã bỏ nước ra đi và hiện sống lưu vong.
Khi quý Toà đòi hỏi: Lá đơn của các nạn nhân ở Việt Nam phải có công chứng của tất cả các cấp từ thôn, xã, huyện …. cho đến bộ Ngoại giao Việt Nam, quý vị có biết rằng họ chính là những người không những đã bị Toà án quê hương của họ không thụ lý hồ sơ, mà hơn nữa còn bị đàn áp dã man? Họ đang sống ở đâu? Dưới chế độ chính trị nào?
Giữa Đài Bắc với Trung Hoa lục địa khoảng cách không gian nào có bao xa? Chắc chắn quý Toà biết rõ những gì đang diễn ra bên ấy. Giả sử có một vụ án tương tự xảy ra với các nạn nhân bên ấy, không hiểu quý Toà có thản nhiên đòi các nạn nhân bên đó cũng phải công chứng hồ sơ như đang đòi hỏi các nạn nhân tại Việt Nam hay chăng?
3- Sứ vụ của các quan toà phải chăng là trả lại công bằng, công lý và sự thật cho các nạn nhân? Vị quan toà công minh chính trực phải chăng là vị quan toà luôn bênh vực những người cô thân, yếu thế và không thể bị mua chuộc bởi tiền bạc hay chức quyền? Chính vì vậy, không phải vô lý khi có người đã coi việc “bó buộc phải xin công chứng” này như một quỷ kế để bắt buộc các nạn nhân phải đầu hàng vô điều kiện. Thật vậy, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam hôm nay, việc xin công chứng nói trên là điều không thể thực hiện được, vì nếu thực hiện sẽ dẫn đến tù tội, khổ đau, gia đình tan hoang?
Rất mong quí Toà bình tâm suy nghĩ và tìm giải pháp thay thế cho biện pháp bất khả thi này.
4- Thay mặt cho gần 8000 nạn nhân, xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ quảng đại của các Thẩm phán, luật sư, phóng viên và tất cả người dân Đài Loan đã tận tâm ủng hộ vụ kiện chống lại thảm hoạ môi trường do Công ty Formosa gây nên tại Hà Tĩnh Việt Nam vào năm 2016.
Chúng tôi đặc biệt tri ân sự hỗ trợ tận tình của Linh mục Nguyễn Văn Hùng và Văn phòng Trợ giúp Công nhân, Di dân Việt Nam tại Tân Trúc luôn can đảm đồng hành và tận tình hỗ trợ vụ kiện này.
Chân thành tri ân Hội Công lý cho các Nạn nhân Formosa dòng dã trong suốt mấy năm vừa qua đã ngược xuôi vất vả đấu tranh vì Công lý và quyền lợi cho các nạn nhân của thảm hoạ Formosa. Chúng tôi không thể quên sự hỗ trợ pháp lý rất tích cực của hai Tổ hợp Luật sư tại Đài Loan đã tận tình đồng hành với chúng tôi suốt mấy năm vừa qua.
Chúng tôi rất cảm động và rất biết ơn 7 Nghị sĩ thuộc lưỡng Đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ và 3 Dân biểu Đài Loan đã gửi Văn thư ủng hộ các nạn nhân của thảm hoạ Formosa.
Chúng tôi cũng rất ước mong nhận được những lá thư ủng hộ đến từ các Nghị Sĩ, các vị Thẩm Phận, quý Giáo sư, Luật sư cũng như tất cả những người đang tranh đấu cho công lý, công bằng, bảo vệ môi trường sinh thái tại Quốc đảo thân yêu và xinh đẹp này.
Chúng tôi cầu chúc chương trình của Tổng thống Thái Vân Anh về một Đài Loan Hoà bình, Dân Chủ, Tự do, Phát triển, Thân thiện với Môi trường Sinh thái sớm thực hiện. Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là vinh dự của quý vị mà còn niềm vui và hãnh diện của tất cả người Đông Nam Á chúng ta.
Xin ơn trên luôn phù trợ chúng ta.
Ngồn FB: Linh Mục Nguyễn Văn Hùng