Từ tòa án đến tranh cử của cựu TT Donald Trump
Thái Hóa Lộc
Cuộc sống của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đầy rẫy biến động với tòa án, luận tội, đắc cử và thất bại.
91 cáo buộc trọng tội chống lại ông Trump đều nghiêm trọng. Vụ án quan trọng liên quan đến vai trò của ông trong cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Nỗ lực lật ngược thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc tấn công gây sốc và nghiêm trọng nhất vào hiến pháp trong nhiều chục năm, nếu không muốn nói là kể từ cuộc nội chiến; Việc bồi thẩm đoàn coi ông Trump có tội hay vô tội rõ ràng là điều nổi bật khi cử tri chuẩn bị quyết định xem có nên đưa ông trở lại chức tổng thống hay không. Nhưng có lẽ tuần lễ vừa qua mới là tuần biến động nhất đối với ông Trump. Ông Trump phải xoay xở khoản tiền nửa tỷ đô la nhằm ngăn tòa án New York tịch thu các tài sản của ông trong vụ án lớn. Phán quyết này có thể đe dọa đế chế kinh doanh của ông, là trùm bất động sản trong khối tài sản khổng lồ đóng vai trò quan trọng đối với bản sắc cá nhân và thương hiệu chính trị của ông.
Những vụ án hình sự đang chờ xử cộng thêm những tổn thất nặng nề mà ông Trump phải chịu gần đây trong những vụ kiện dân sự đã được xét xử.Vào ngày 16 tháng 2, một thẩm phán ở New York đã phạt ông Trump và doanh nghiệp của ông 355 triệu USD (cộng thêm 99 triệu USD tiền lãi và tăng mỗi ngày) vì thổi phòng giá trị tài sản cho những người cho vay, và cấm ông giữ chức vụ giám đốc công ty ở tiểu bang này trong 3 năm. Cộng thêm khoản tiền bồi thường 88 triệu USD cho E. Jean Carroll, một nhà báo bị ông Trump tấn công tình dục nhiều chục năm trước và sau đó bôi xấu, ông còn nợ nhiều hơn 500 triệu USD. Án lệnh mà ông ta sẽ kháng cáo có thể làm cạn số tiền mặt và buộc ông ta phải bán một số tài sản của mình…
Ông Trump khẳng định ông không làm gì sai trong bất kỳ vụ án nào và cho đến nay đã khéo léo kết hợp tất cả chúng vào câu chuyện ông là nạn nhân và bị trả thù. Việc hai trong số những cáo trạng hình sự do những chưởng lý quận được bầu với tư cách là đảng viên Đảng Dân chủ đưa ra đã tạo cơ sở cho những tuyên bố cho rằng ông đang bị những kẻ thù chính trị nhắm đến. Cựu TT Trump đã tổ chức một cuộc họp báo tại Trump Building ở New York, nơi ông chỉ trích hành động pháp lý chống lại ông là “can thiệp bầu cử.” - Ông cho rằng, “‘Các vụ kiện’ và ‘cố gắng’ tóm lấy ông và lấy đi càng nhiều tiền càng tốt.”. Cựu TT Trump cho biết “từng vụ án” của ông đều do chính phủ TT Biden chỉ thị nhưng điều đó “phản tác dụng” vì công chúng có thể nhìn thấy “cuộc chiến pháp lý” này là gì. - “Chúng ta đang trải qua tình trạng vũ khí hóa chính phủ này nhằm cố gắng hạ gục đối thủ chính trị của ai đó,” ông nói. “Lẽ ra họ có thể bắt đầu việc này khi tôi rời nhiệm sở … và quý vị biết tại sao họ không bắt đầu không? Bởi vì họ không biết tôi sẽ tranh cử, và họ không biết tôi sẽ thành công đến mức nào.” - “Nếu tôi không tranh cử, sẽ không có phiên tòa nào xảy ra,” ông nói.
Trong khi đó, những đồng minh ca ngợi Donald Trump "thắng lợi" trong vụ kiện ở New York, nói "cuộc chiến pháp lý" đang tạo đòn bẩy cho ông tranh cử. "Ông Trump tái xuất thành công và dẫn đầu cuộc bầu cử là nhờ gần một nửa chiến dịch vận động diễn ra trong tòa án. Truyền thông cả thế giới phải đưa tin về ông ấy", Steve Bannon, cựu quan chức Tòa Bạch Ốc và từng điều hành chiến dịch tranh cử năm 2016 của Donald Trump, bình luận vào ngày 25/3.
Bannon chỉ trích những vụ kiện, điều tra và truy tố liên tiếp nhắm vào ứng viên đảng Cộng hòa là "cuộc chiến pháp lý" nhằm ngăn Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Dù vậy, cựu cố vấn chính trị của Trump tin rằng chiến thuật này đang vô tình tăng tần suất cựu tổng thống Mỹ xuất hiện miễn phí trên truyền thông. "Cuộc chiến pháp lý đã trở nên vô dụng, thậm chí trở thành một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump", Bannon nói.
Dù đối diện hàng loạt cáo trạng, Trump vẫn được nhiều người Mỹ coi trọng vì nhiều lý do, trong đó trọng tâm là vấn đề kinh tế của nước này. Ông Donald Trump từng là tổng thống ít được yêu thích nhất và bị gần 2/3 người dân Mỹ chỉ trích vào thời điểm ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, sau hơn ba năm, mức độ yêu thích của công chúng dành cho ông đang ngày càng gia tăng. Cuộc thăm dò mới nhất của New York Times/Siena cho thấy mức độ tín nhiệm của ông đạt 44%, cao hơn đối thủ đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden, người nhận được tỷ lệ ủng hộ 38%. Khi quan điểm về Tổng thống Biden ngày càng tiêu cực, cái nhìn của người Mỹ với ông Trump lại tích cực hơn. Qua hàng loạt cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ ủng hộ cựu tổng thống Trump dường như đã ổn định ở mức cao hơn ba năm trước. Quan điểm về ông được cải thiện một cách khiêm tốn trong dư luận Mỹ nói chung, nhưng thực sự đã tăng đáng kể trong nhóm người Mỹ da màu, gốc Latin, cử tri trẻ tuổi và người thuộc tầng lớp lao động. Trong các cuộc khảo sát của Gallup đối với người trưởng thành Mỹ cuối năm 2023, tỷ lệ ủng hộ Trump đạt mức cao nhất kể từ trước cuộc bầu cử năm 2020.
Theo giới chuyên gia, đà khôi phục tín nhiệm của cựu tổng thống có thể bắt nguồn từ các lý do. Đầu tiên, ông đang hưởng lợi vì tâm lý bi quan của công chúng trước nền kinh tế Mỹ. Khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, nền kinh tế trở thành câu chuyện chính được thảo luận trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. Đây luôn là vấn đề hàng đầu đối với tất cả cử tri, đặc biệt đối với người Mỹ da màu, người Latin và tầng lớp lao động. Ông Trump đã lấy tình hình biên giới, nền kinh tế đang bùng nổ trước đại dịch làm trọng tâm trong nỗ lực tái tranh cử của mình 4 năm trước và ông đang tiếp tục sử dụng nó làm lập luận trọng tâm chống lại ông Biden trong cuộc tái đấu năm nay. Lạm phát, lãi suất tăng và quan điểm trái chiều về quá trình phục hồi sau Covid-19 là những gánh nặng lớn nhất của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ cũng như sự hỗn loạn biên giới phía nam. Ngược lại, nó cũng có thể là một trong những "tài sản" lớn nhất với cựu tổng thống Trump trong nỗ lực xây dựng lại danh tiếng. Cuộc thăm dò của New York Times/Siena, cử tri Latin đang cảm thấy nền kinh tế tồi tệ hơn. Tương tự, các cử tri trẻ, dưới 30 tuổi, bi quan về nền kinh tế hơn so với nhóm lớn tuổi. 73% cử tri da trắng đánh giá nền kinh tế hiện tại bằng hoặc kém hơn so với thời Trump, trong khi 74% cử tri da màu và 84% người gốc Latin có quan điểm này. Trong nhóm trẻ tuổi, 86% có nhận định tương tự, cao hơn 8 điểm phần trăm so với những người từ 30 đến 44 tuổi. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tâm lý bất mãn này. Theo bình luận viên chính trị Nicole Narea từ trang tin Vox, người Mỹ vẫn cho rằng nền kinh tế dưới thời Biden tồi tệ hơn thời Trump, mắc dù nhiều dấu hiệu lạc quan đã xuất hiện. Niềm tin kinh tế sụt giảm, mối lo ngại tăng lên và người Mỹ đang nợ thẻ tín dụng ngày càng nhiều khiến bức tranh toàn cảnh trở nên ảm đạm đối với đa số công chúng. Cùng lúc, nhiều người Mỹ nhớ đến nền kinh tế thời Trump theo cách tích cực hơn so với cách họ nhìn nhận nền kinh tế hiện tại. Một cuộc thăm dò của CBS News/YouGov tháng qua cho thấy 65% người được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ khi cựu tổng thống Trump điều hành là "tốt", trong khi chỉ 38% đánh giá như vậy đối với nền kinh tế thời Biden. Quan điểm tương tự cũng xuất hiện trong cuộc thăm dò của New York Times/Siena. Người Mỹ thuộc mọi chủng tộc, độ tuổi và giới tính đều cảm thấy các chính sách của Trump, nhất là kinh tế, mang đến nhiều lợi ích hơn cho họ so với những gì Tổng thống Biden đang thực hiện. Một số tác động kinh tế từ đại dịch trong cả hai nhiệm kỳ tổng thống đều nằm ngoài tầm kiểm soát của người đứng đầu Tòa Bạch Ốc, nhưng điều này không làm thay đổi niềm tin của không ít người rằng Tổng thống Biden phải chịu nhiều trách nhiệm nhiều hơn người tiền nhiệm Trump về tình trạng nền kinh tế. Đà hồi phục mạnh mẽ trong tỷ lệ ủng hộ Trump còn có thể bắt nguồn từ việc so sánh này! Một trong những hệ lụy của các cuộc bầu cử là xu hướng đất nước bị chia rẽ, khi nhóm cử tri ủng hộ ứng viên này sẽ nhìn nhận phía bên kia một cách tiêu cực. Người đắc cử tổng thống có nhiệm vụ khỏa lấp mối chia rẽ đó để đoàn kết đất nước, thường là nhờ vào hỗ trợ từ lãnh đạo sắp mãn nhiệm. Nhưng ông Trump đã làm điều ngược lại vào năm 2020.
Hàng loạt vụ kiện dân sự và truy tố đã đẩy ông Trump vào cảnh phải chạy liên tục từ tòa án này sang tòa án khác. Nhưng ngược lại với đối thủ là Tổng thống Biden có thể là con dao hai lưỡi vì sau mỗi quyết định truy tố, Trump lại càng nổi tiếng. Cuộc chiến pháp lý không làm khó được ông Trump, thậm chí ông ấy đang như cá gặp nước", theo Giáo sư Tuley bình luận.