Nguyễn Lân Thắng vừa bị Hà Nội kết 6 năm tù 2 năm quản chế
Việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Nguyễn Lân Thắng với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước hôm 5/7 là tin tức được chia sẻ và bình luận nhiều trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tuần này, trong đó có không ít những ý kiến ủng hộ những hoạt động vì xã hội của ông.
Giống như trong nhiều vụ án chính trị khác, ông Nguyễn Lân Thắng, 47 tuổi và là bố của hai đứa con 8 tuổi và 2 tuổi, sẽ bị biệt giam ít nhất bốn tháng trong giai đoạn điều tra, và đối diện với mức án có thể từ 7 năm đến 12 năm tù, thậm chí 20 năm tù nếu bị kết tội.
Ông xuất thân từ gia đình khoa bảng nổi tiếng nhất lịch sử đương đại Việt Nam, với ông nội là giáo sư Nguyễn Lân, nhà nghiên cứu kiêm biên soạn Từ điển Tiếng Việt được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Tám người con của cụ Nguyễn Lân, trong đó có ông Nguyễn Lân Tráng- bố của ông Nguyễn Lân Thắng, là tiến sỹ, và bảy trong số họ có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư trong giáo dục và y học. Bác của ông, giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn là đại biểu quốc hội nhiều khoá.
Chọn con đường dấn thân, đấu tranh về chủ quyền quốc gia và môi trường
Với một gia đình công thần của chế độ như thế, bản thân là kỹ sư xây dựng, ông có thể có một tương lai tốt nếu “ngoan ngoãn” gắn mình với chế độ. Tuy nhiên, ông đã chọn con đường dấn thân trong nhiều hoạt động dân sự vốn có lịch sử non trẻ ở một quốc gia bị đảng cộng sản độc quyền chính trị từ nhiều thập niên qua.
Xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam phát triển mạnh từ năm 2011 khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Khi đó nổ ra 11 cuộc biểu tình trong 11 sáng chủ nhật ở trung tâm thành phố Hà Nội, có lúc tập hợp được hàng trăm người cho dù nhiều buổi bị công an đàn áp khốc liệt.
Ông Nguyễn Lân Thắng hoà mình vào các cuộc biểu tình này. Với kỹ năng chụp ảnh, ông là một trong số ít ký giả ảnh đưa tin về các hoạt động còn khá mới mẻ này ở Việt Nam.
Nói về ông, bà Nguyễn Kim Tiến, một nhà hoạt động tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội trong thập nhiên trước và thường được gọi là “hoa hậu biểu tình,” trao đổi với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Em quen biết anh Nguyễn Lân Thắng trong cuộc biểu tỉnh năm 2011 chống Trung Quốc xâm lược. Lúc biểu tình thì không ai quen biết ai nhưng sau mọi người ngồi lại và giới thiệu qua và biết lẫn nhau. Sau nhiều cuộc biểu tình thì có sự kết nối giữa những người hoạt động với nhau. Em quen với anh Nguyễn Lân Thắng từ đó.
Hồi đó mọi người đi với một sự nhiệt huyết…. Giữa em và anh Thắng không có nhiều hoạt động chung nhưng những gì em biết là anh Thắng tham gia rất nhiều hoạt động như là biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, xuống đường bảo vệ cây xanh, và một số hoạt động khác bảo vệ môi trường như phản đối Formosa xả thải ở ngoài biển.
Anh Thắng có tài chụp ảnh. Ảnh anh chụp rất đẹp. Anh Thắng hay mang máy ảnh trong các cuộc biểu tình và chụp nhiều bức ảnh để lưu lại những dấu ấn kỉ niệm về các cuộc biểu tình.”
Ông Nguyễn Lân Thắng cũng là một trong những nhân vật chủ chốt của Đội bóng No-U Hà Nội- tập hợp của những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc thường gặp nhau để luyện tập thể thao và chia sẻ về các vấn đề xã hội trong chiều chủ nhật trong thời gian từ tháng 10 năm 2011 đến 2017 trước khi bị lực lượng an ninh can thiệp khiến đội bóng không thể hoạt động công khai.